Thông tư số 78/2007/TT-BNN ngày 11 tháng 9 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Dự án Khuyến nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010



Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung thực hiện Dự án Khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề như sau:


PHẦN I. QUI ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn thực hiện Dự án Khuyến nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề (sau đây viết tắt là Dự án KN-PTSX) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007.
2. Việc triển khai các hoạt động của Dự án KN-PTSX được thực hiện công khai, dân chủ và phải nằm trong kế hoạch tổng thể của Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã, huyện, tỉnh.
3. Thực hiện lồng ghép, kế thừa những kinh nghiệm của các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện trên địa bàn nhằm phát huy tối đa hiệu quả của đầu tư.
4. Căn cứ nhu cầu của dự án trên địa bàn và khả năng của nguồn vốn để lựa chọn các nội dung ưu tiên thực hiện và hoàn thành dứt điểm, tránh dàn trải làm giảm hiệu quả của dự án. Huy động nguồn lực tham gia đóng góp của người dân nhằm gắn kết quyền lợi và nâng cao trách nhiệm của các hộ nghèo thực hiện dự án.
PHẦN II. NỘI DUNG CỤ THỂ
I. Nội dung dự án
1. Mục tiêu
Dự án KN-PTSX được thực hiện nhằm trang bị kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nghèo, hộ nghèo để biết bố trí và áp dụng vào phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, giúp cho các hộ gia đình giảm nghèo bền vững.
2. Đối tượng
Đối tượng hỗ trợ: hộ nghèo (theo tiêu chí qui định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 8/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010) có người trong độ tuổi lao động, có đất sản xuất nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm và điều kiện áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất. Ưu tiên cho các đối tượng là phụ nữ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
3. Nội dung và mức hỗ trợ
Nội dung và mức hỗ trợ cho dự án được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về "Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo".
II. Qui trình xây dựng, tổng hợp và giao kế hoạch thực hiện dự án
Hàng năm căn cứ theo hướng dẫn lập kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh xây dựng kế hoạch và gửi các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.
Giao kế hoạch: Căn cứ tổng dự toán ngân sách hỗ trợ và mục tiêu của Dự án đã được giao, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí, lồng ghép thực hiện Dự án, đồng thời gửi văn bản giao kế hoạch về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp, kiểm tra, theo dõi.
III. Quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án
1. Nguyên tắc xây dựng Dự án
a) Hộ gia đình được hỗ trợ phải được lựa chọn công khai, phổ biến rộng rãi và có ý kiến xác nhận của UBND cấp xã.
b) Hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình có điều kiện về đất đai, lao động, nguyên liệu...để thực hiện.
c) Cây, con giống và công nghệ, thiết bị chuyển giao cho dân là những cây, con giống và công nghệ, thiết bị đã được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến sản xuất đại trà.
d) Khi triển khai, phải thống nhất với chính quyền địa phương và người dân tham gia dự án để lựa chọn cây, con giống và công nghệ, thiết bị phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và tập quán của từng địa phương.
2. Lập, thẩm định và phê duyệt dự án
2.1. Lập dự án
Trên cơ sở thông báo kế hoạch thực hiện Dự án Khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành lập dự án theo các nội dung sau:
a) Khái quát tình hình chung, lý do và sự cần thiết.
b) Xác định các mục tiêu cụ thể.
c) Xác định nội dung, nhiệm vụ cơ bản của dự án, chú ý vấn đề thị trường tiêu thụ sản phẩm.
d) Các giải pháp thực hiện dự án:
- Giải pháp về kỹ thuật: Xác định phương pháp, quy trình sản xuất cây trồng, vật nuôi và công nghệ được áp dụng, có sơ đồ công nghệ cụ thể từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Xem xét, lựa chọn công nghệ đã được thử nghiệm trong thực tế và được Hội đồng khoa học cấp có thẩm quyền công nhận. Các loại giống cây trồng, giống vật nuôi và vật tư hỗ trợ phải nằm trong danh mục được sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Các loại thiết bị, công cụ, máy móc sử dụng có mã hiệu, công suất, đơn vị sản xuất, giá cả phù hợp với quy trình công nghệ nêu trong dự án. Xem xét, lựa chọn thiết bị đã được công nhận chất lượng hoặc đã được cấp chứng chỉ khảo, kiểm nghiệm;
- Giải pháp về thị trường: Sản phẩm sản xuất ra phải đạt yêu cầu chất lượng, có khả năng tiêu thụ trên thị trường;
- Tổ chức thực hiện.
đ) Về kinh phí thực hiện dự án: trong đó xác định rõ nguồn ngân sách nhà nước cấp, dân đóng góp và các nguồn khác (nếu có).
e) Đề xuất cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án khác (nếu có).
g) Thời gian thực hiện.
h) Kế hoạch tiến độ thực hiện.
i) Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội.
Xây dựng phương án cụ thể về quản lý, sử dụng thiết bị và vật tư của dự án sau khi dự án hoàn thành theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2.2. Thẩm định dự án
a) Cơ quan thẩm định
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được giao xây dựng mô hình dự án tổ chức thẩm định dự án.
b) Nội dung thẩm định:
- Sự cần thiết và phù hợp của dự án với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và mục tiêu, đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010, trong đó cần làm rõ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước của sản phẩm dự án;
- Tính hợp lý, khả thi của giải pháp kỹ thuật;
- Văn bản đề nghị của chính quyền cấp xã và cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;
- Dự toán chi tiết dự án.
2.3. Phê duyệt dự án
Trên cơ sở dự án đã được thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được giao xây dựng mô hình dự án sẽ phê duyệt kế hoạch triển khai Dự án Khuyến nông – lâm – ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề để tổ chức thực hiện.
3. Tổ chức tập huấn
a) Địa điểm tổ chức
Các lớp tập huấn phải được mở ngay tại các xã (thôn, bản), tạo điều kiện cho các học viên đi lại thuận lợi. Trong trường hợp học viên được chọn từ nhiều xã (thôn, bản), thì nên tổ chức tại xã (thôn, bản) có điều kiện thuận lợi nhất.
b) Đối tượng tham gia
Người tham gia lớp tập huấn là đối tượng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010.
Số lượng học viên mỗi lớp không nên quá nhiều (từ 40-50 người) để đảm bảo chất lượng truyền đạt nội dung tập huấn đến từng học viên, không phô trương hình thức, đại biểu mời dự là cán bộ hưởng lương phải hạn chế tối đa.
c) Nội dung tập huấn
- Hướng dẫn cụ thể các kỹ thuật trồng và nuôi cây con; bảo quản, sơ chế, chế biến nông lâm ngư sản và phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương để các hộ nghèo có thể áp dụng được.
- Nội dung tập huấn phải được soạn thành các bài giảng và quy định thời gian tối thiểu cho từng nội dung bài giảng, theo yêu cầu dưới đây:
+ Tên bài giảng;
+ Thời gian yêu cầu cho bài giảng;
+ Nội dung cơ bản của bài giảng: Nội dung truyền đạt phải cụ thể, có hình ảnh minh hoạ, chủ yếu là hướng dẫn thực hành để học viên dễ tiếp thu và làm theo được ngay; không nên lồng ghép quá nhiều nội dung trong một lớp học để đảm bảo yêu cầu thiết thực, phù hợp, hiệu quả và tránh trùng lặp;
+ Thời gian yêu cầu cho khoá học.
d) Nhu cầu kinh phí: Dự toán kinh phí tập huấn theo đúng mức chi do Bộ Tài chính quy định.
PHẦN III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Giao Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch phân bổ vốn cho các tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn; tổ chức thực hiện dự án.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương xây dựng chương trình, tổ chức tập huấn khuyến nông, lâm, ngư, phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề.
- Phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện một số mô hình dự án để làm căn cứ tổng kết kinh nghiệm chỉ đạo chung trên toàn quốc.
- Kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình, kết quả thực hiện dự án.
- Tổng hợp tình hình thực hiện dự án, báo cáo về cơ quan thường trực Chương trình theo định kỳ 6 tháng, 1 năm.
2. Các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia xây dựng các mô hình:
- Căn cứ nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia xây dựng mô hình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện tốt dự án.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng và 1 năm về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn).
3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
3.1. Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo qui định tại điểm a, khoản 3 phần VI, Điều 1 của Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 (bố trí tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện Chương trình); chỉ đạo Uỷ ban nhân dân huyện, các Sở, Ban, ngành tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh.
3.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước đối với dự án, thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Giao Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước và làm chủ đầu tư đối với dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề; Trung tâm khuyến nông tỉnh làm chủ đầu tư dự án khuyến nông, lâm, ngư.
- Xây dựng kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn của dự án.
- Phối hợp với UBND huyện, xã trong tổ chức thực hiện dự án.
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các nội dung Dự án phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật của dự án trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở lập, phê duyệt dự toán và thanh quyết toán.
- Kiểm tra, giám sát thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng và 1 năm về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Hợp tác và Phát triển nông thôn).
4. Uỷ ban nhân dân huyện:
- Phối hợp với Sở NN&PTNT trong việc xác định địa bàn, nhu cầu hỗ trợ, chỉ đạo hoạt động, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dự án trên địa bàn;
- Chỉ đạo UBND các xã có dự án triển khai có hiệu quả theo các mục tiêu đề ra của Chương trình.
5. Uỷ ban nhân dân xã:
Có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư và các đơn vị trong việc triển khai thực hiện dự án đến các hộ gia đình ( xác định nhu cầu, nội dung đầu tư, đối tượng tham gia...), kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, các văn bản trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có những vấn đề chưa phù hợp, đề nghị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW, Thủ tướng CP, các Phó TTCP;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP. trực thuộc Trung ương;
- Toà án ND tối cao;
- Viện kiểm sát ND tối cao;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Công báo, Webside của Chính Phủ;
- Lưu VT, HTX.
           KT. BỘ TRƯỞNG
                   THỨ TRƯỞNG
                  (Đã ký)
                   Hồ Xuân Hùng
Tải văn bản

Trở về
In bài này
Các tin khác:
 Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT/BTC-BLĐTBXH, ngày 20/8/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động -Thương binh và xã hội về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo. (20/09/2007)
 Quyết định Số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999 - 2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 (17/09/2007)
 Thông tư số 21/2007/TT-BNN ký ngày 27 tháng 03 năm 2007 (28/03/2007)
 Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg Ngày 5/2/2007 của Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 – 2010 (26/03/2007)
 Quyết định số 587/2002/qđ-blđtbxh, ngày tháng năm 2002 của bộ trưởng bộ lao động - thương binh và xã hội Về việc ban hành tiêu chí xã nghèo giai đoạn 2001 - 2005 (14/03/2007)
 Quyết định của Thủ tướng chính phủ Về việc bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, trường học, trạm xá của các nông, lâm trường về địa phương quản lý (13/03/2007)

0 nhận xét: