Nỗi lo nông thôn mới
Trong một tương lai không xa, có trên 40% dân số Việt Nam gắn với các đô thị, sống “kiểu”đô thị. Đó là bước phát triển tất yếu khi đất nước công nghiệp hóa ở tốc độ cao. Tuy nhiên, không ít bà con nông dân lại đang lo ngại...Mấy bác nông dân ở quê tôi bàn luận về việc này không ít điều trăn trở. Các bác cho rằng, phát triển đô thị kéo theo nông thôn ven đô phát triển lai căng kiểu tự phát là điều đáng lo nhất. Vì sát đô thị là nông thôn mới, đường chẳng ra đường, thoát nước ứ đọng, nước sạch thì…có thật sạch không?
Lại có người lo, đô thị mới sẽ biến cái xóm của họ thành “làng cải tiến” nhà ống, cao thấp lô nhô, nông thôn lại là nơi cốt nền trũng, mạnh ai ấy tôn cao thành nhiều cấp…tạo ra nơi thu nước thải của đô thị “mẹ”. Nông thôn mới có bị thành “khu ô nhiếm” mới?
Các bác lắc đầu, khi thấy, ngay ở các quận trong nội thành, nạn lấp xong lại đào… như “chuyện thường ngày ở phố”, thì nói chi đến đô thị mới của xóm ta, làng ta nay mai…Mà trình độ quản lý đô thị của địa phương còn thấp thế, thiếu vắng người quản lý đô thị có tâm, có tầm để điều hành “làng xã mới”…chả lẽ lúc ấy vẫn dùng “hương ước” làng xưa ra để quản lý đô thị, không khéo mỗi phường mỗi phách? Quả là từ xã lên phường còn nhiều điều lo lắng!
Mấy đứa con của bà con nông dân ngay ven đô, thường ngày chúng ra thành phố, đi làm về, hoặc đi học, chúng thường dài môi chê thành phố , nào là bụi, nào là bẩn. Thế nhưng có điều chúng vẫn đổ xô nhau ra đó đi làm, lấy chồng trên phố. Điều gì cuốn hút chúng? đó là tiện nghi sinh hoạt, là nơi mưu sinh dễ dàng, là nơi có cơ hội học hành thăng tiến…của chúng và cả con cái lâu dài. Khoảng cách này giữa đô thị mới ven đô và phố thị vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Chúng tính thế là phải!
Những điều lo lắng ấy nay không đáng lo nữa. Tại hội nghị đô thị toàn quốc năm 2009 tổ chức ở Hà Nội ngày 6-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Phát triển đô thị phải gắn liền với xây dựng nông thôn mới”.
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển đô thị gắn liền với xây dựng nông thôn mới, các nhà quản lý phải nhận thức đầy đủ hơn nữa vai trò quản lý đô thị bởi nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng nhất là sự điều chỉnh tổng thể về dân cư, sao cho tương xứng với điều kiện hạ tầng. Chính phủ cũng nhấn mạnh, cần có sự liên kết giữa các đô thị trong hệ thống quy hoạch chung để bảo đảm sự phát triển bền vững. Dịp này, Bộ Xây dựng đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị VN đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn 2009-2020.
Dẫu vấn đề lớn này mới diễn ra trong một hội nghị, nhưng, các báo cáo và quyết đáp của Chính phủ cũng đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này để có thể xây dựng những quy hoạch đạt chất lượng.
Hy vọng rằng các bác không phải lo xa. Các Bộ, ngành…đang tổng kết và có nhiều kinh nghiệm từ việc mở rộng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Chỉ mong sớm có những “mô hình” để rút kinh nghiệm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: