Những việc cần làm sau khi mua máy tính mới
Bạn cần đảm bảo tính an toàn cho hệ thống, cá nhân hóa máy tính theo sở thích riêng, gỡ bỏ những chương trình thừa thãi, đồng thời cài đặt thêm một số tiện ích cần thiết. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu với các bạn những việc cần làm sau khi mua máy tính mới. Bố cục bài viết bao gồm 12 bước đơn giản hướng dẫn bạn làm việc trên Windows 7 và một phần dành riêng cho người dùng Mac. 1, Bắt đầu Sau khi thực hiện các kết nối cơ bản ban đầu như nối cáp màn hình, chuột, bàn phím, dây mạng với CPU, cắm nguồn điện và khởi động máy tính, việc đầu tiên bạn cần làm là thiết lập ngôn ngữ, múi giờ, đặt đồng hồ, lịch trên Windows 7. Nếu máy tính có nhiều người dùng chung, bạn cần tạo tài khoản người dùng và đặt mật khẩu. Thế giới Internet luôn ẩn chứa vô vàn những mối nguy hiểm rình rập máy tính của bạn. 2, Dọn dẹp hệ thống Những nhà cung cấp tên tuổi thường cài đặt sẵn phần mềm lên máy tính khách hàng ngay từ nhà máy. Thực tế cho thấy hầu hết các phần mềm này đều rất vô dụng, có thể gọi là “phần mềm rác”. Nhà cung cấp cài đặt chúng với danh nghĩa hỗ trợ bạn nhưng chủ yếu là họ làm thế để nhận tiền từ các nhà sản xuất phần mềm. Một vài nhà cung cấp như Sony và Dell có đưa cho khách hàng tùy chọn để tránh các phần mềm rác. Tuy vậy, thường thì những nhà cung cấp nhỏ sẽ mang đến cho bạn một hệ thống mới “sạch sẽ” hơn. Để tiến hành dọn dẹp hệ thống, bạn hãy sử dụng phần mềm miễn phí PC Decrapifier tải về tại đây. Chương trình này sẽ giúp bạn gỡ bỏ những thứ bạn không cần đến, từ AOL đến Yahoo! Toolbar. Nếu muốn dọn dẹp tận gốc, hãy dùng thêm Revo Uninstaller - tiện ích miễn phí giúp bạn xóa hoàn toàn các chương trình được cài đặt trên máy, mạnh mẽ hơn công cụ có sẵn trong Control Panel của Windows. Tiếp theo, bạn sẽ tiến hành gỡ bỏ bớt một vài thứ không cần thiết mà Windows 7 cài sẵn. Vào Control Panel, mở Uninstall a Program. Click vào “Turn Windows Features on or off” phía bên trái. Có thể bạn sẽ gặp cảnh báo của User Account Control, không sao cả, hãy click OK. Bây giờ, bỏ chọn những thứ trong danh sách mà bạn cảm thấy không cần thiết, chẳng hạn như games, Tablet PC Optional Components, v..v.. Nếu bạn chưa rõ tính năng từng mục, hãy di chuột đến tên mục để xem mô tả chi tiết. Nếu vẫn chưa nắm được, tốt nhất là hãy bỏ qua mục đó. Đừng nhầm lẫn giữa phần mềm rác và phiên bản dùng thử của các phần mềm hữu dụng. Đây là những chương trình cho phép bạn sử dụng miễn phí trong một khoảng thời gian ngắn (15 - 30 ngày). Sau thời gian này, bạn cần trả phí để có thể sử dụng tiếp chương trình với toàn bộ tính năng. Việc giữ lại các phiên bản dùng thử miễn phí này có thể giúp ích cho bạn về sau. 3, Kích hoạt “lá chắn bảo vệ” Trong thời buổi hiện nay, thế giới Internet luôn ẩn chứa vô vàn những mối nguy hiểm rình rập máy tính của bạn. Vì vậy, việc tiếp theo bạn cần làm đó là kích hoạt tấm “lá chắn bảo vệ” cho máy tính. Đây là những gói phần mềm bảo mật giúp máy tính bạn chống lại sự tấn công của virus, spyware, malware. Nếu bạn sẵn sàng bỏ tiền để bảo vệ máy tính của mình, bạn có thể chọn mua gói phần mềm Norton Internet Security 2010. Chương trình này dành được giải thưởng do các cây bút của tạp chí PC Magazine bình chọn. Chương trình hoạt động khá hiệu quả và không làm nặng hệ thống. Nếu bạn không muốn rút hầu bao, có thể dùng thử phần mềm miễn phí Panda Cloud Antivirus. Phần mềm này cực kỳ nhẹ nhàng, bởi lẽ toàn bộ cơ sở dữ liệu của nó đều được lưu trực tuyến. Bù lại, bạn cần có kết nối Internet tốc độ cao để chương trình có thể làm việc ổn định. 4, Tải về các bản cập nhật Tại một vài thời điểm - có lẽ khoảng năm đến mười phút sau khi bạn khởi động máy - máy tính sẽ nhắc bạn biết hiện đang có vài bản cập nhật cho Windows. Hãy tải về các bản cập nhật này. Bạn sẽ nhìn thấy một biểu tượng nhỏ trên khay hệ thống ở góc dưới bên phải màn hình. Hoặc bạn có thể chọn Windows Update từ trình đơn Start -> All Programs. Tùy thuộc vào phiên bản Windows trên máy tính bạn và thời điểm bạn tiến hành cập nhật mà dung lượng bản cập nhật lớn hay nhỏ, số lượng bản cập nhật nhiều hay ít. Dù thế nào thì bạn cũng nên tải hết về. Quá trình này có thể sẽ tốn thời gian, vì vậy bạn hãy để máy đó và đi làm việc khác trước khi quay lại tiến hành bước kế tiếp. Sau khi tải về xong xuôi, chạy Windows Update một lần nữa. Cần phải kiểm tra lại khoảng ba lần. Giờ thì bạn đã có một hệ thống thực sự tinh tươm. 5, “Ghost” lại máy Sau khi máy tính gặp sự cố nghiêm trọng, một số người dùng đam mê công nghệ thích cài đặt lại toàn bộ hệ thống từ đầu. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ lại mất công cập nhật hệ thống. Thay vào đó, nếu như ngay từ bây giờ bạn tiến hành sao lưu lại hệ thống đang ở tình trạng mới tinh, sạch sẽ và đã cập nhật đầy đủ, bạn sẽ dễ dàng phục hồi mọi thứ vô cùng thuận tiện và nhanh chóng sau sự cố. Việc cần làm lúc này là tạo bản sao lưu (tạo ảnh, hay còn gọi là tạo một bản “ghost”) cho ổ đĩa C - ổ đĩa mặc định cài đặt hệ điều hành. Bạn có thể dùng các chương trình tạo ảnh ổ đĩa như Norton Ghost 15, Acronis True Image Home 2010, hoặc phần mềm miễn phí DriveImage XML. Nếu bạn đang dùng hệ điều hành Windows Vista Business hoặc Ultimate, có thể tận dụng tiện ích có sẵn Complete PC Backup. Người dùng Windows 7 ấn bản Home Premium trở lên có thể mở cửa sổ Back up hoặc Restore rồi chọn Create a System Image. Lưu ảnh ổ đĩa C lên một phân vùng khác trên ổ đĩa cứng. Nếu có thể, hãy ghi nó ra đĩa DVD hoặc copy một bản ra ổ đĩa gắn ngoài hay ổ USB để sử dụng sau này. 6, Chuyển dữ liệu Windows Vista và Windows 7 cho phép di chuyển dữ liệu từ máy tính cũ sang máy mới tương đối dễ dàng với tiện ích Windows Easy Transfer. Nó cung cấp khá nhiều phương thức để di chuyển cả dữ liệu lẫn các thiết lập từ hệ thống cũ sang hệ thống mới như sử dụng ổ cứng gắn ngoài, ổ USB, hoặc qua mạng. Thậm chí tiện ích này còn cho phép bạn tạo lại tài khoản người dùng của mình nếu muốn. Lưu ý, chương trình không di chuyển các ứng dụng trên hệ thống cũ. Để tận dụng ưu điểm của Easy Transfer, máy tính cũ của bạn cần chạy hệ điều hành Windows 2000, XP hoặc Vista. Đương nhiên, bạn hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp thông thường: copy toàn bộ dữ liệu từ hệ thống cũ vào một phương tiện lưu trữ trung gian như CD, DVD, hoặc ổ USB, rồi sau đó copy sang hệ thống mới. Thế nhưng nếu bạn có nhiều dữ liệu, cách này sẽ tiêu tốn của bạn không ít thời gian. Trong trường hợp này, một chiếc ổ cứng gắn ngoài dung lượng lớn với cáp nối USB có thể là thứ bạn cần. Tuyệt hơn nữa là tận dụng chính ổ cứng trên máy tính cũ của bạn. Bộ cáp chuyển USB 2.0 sang SATA/IDE có giá khoảng 25$ có thể biến chiếc ổ cứng cũ thành một ổ cứng gắn ngoài để bạn sử dụng với máy tính mới. Tham khảo sản phẩm của StarTech tại đây. Một lựa chọn tuyệt vời nữa giúp bạn di chuyển dữ liệu, đó là thiết lập mạng gia đình. Mở mục System trong Control Panel, click Advanced system settings, chuyển tới thẻ Computer Name dưới System Properties. Click nút Change. Bạn cần đảm bảo máy tính mới có một cái tên độc nhất, không trùng tên các máy tính khác trong mạng gia đình, đồng thời tên của Workgroup trên tất cả các máy đều giống nhau. Nếu không, chúng sẽ không nhìn thấy nhau để chia sẻ dữ liệu. Nếu bạn đã cài đặt tường lửa, bạn cần kiểm tra lại xem nó đã mở cửa cho các máy tính khác trong nhà hay chưa và ngược lại. Tiếp theo, tìm đến thư mục chứa dữ liệu bạn muốn di chuyển, nhấn chuột phải vào nó và chọn Properties, sau đó lệnh cho Windows chia sẻ thư mục này. Trên hệ thống cài đặt Vista và Windows 7, lúc này thư mục sẽ hiển thị trong Network and Sharing Center khi bạn click View computers and devices. Tính năng HomeGroup trong Windows 7 khá tuyệt vời, nhưng nó sẽ chỉ hữu ích nếu tất cả máy tính trong gia đình đều chạy Windows 7, một điều kiện hơi khó tại thời điểm này do không phải tất cả máy tính cũ đều có thể chạy trên Windows 7. Bạn cần tránh ý định mua phần mềm giúp di chuyển dữ liệu, hoặc sắm một chiếc cáp USB đắt tiền để dùng với tiện ích Easy Transfer. Hoàn toàn không đáng phải bỏ tiền để chi trả cho công việc bạn chỉ thực hiện một lần. Thay vào đó có thể cân nhắc mua IOGear's USB Laptop KVM Switch with File Transfer. Thiết bị này không chỉ giúp bạn chuyển dữ liệu qua lại giữa các máy tính một cách hiệu quả mà còn cho phép bạn chuyển đổi nhanh từ máy này sang máy khác, chỉ sử dụng một bộ bàn phím, chuột và một màn hình duy nhất. Với thiết bị có giá 49.95$ này, bạn sẽ tận dụng được cả máy cũ và máy mới. Dịch vụ Dropbox hỗ trợ đồng bộ hóa dữ liệu giữa các máy tính chạy hệ điều hành Windows, Mac và cả Linux 7, Sao lưu dữ liệu Chắc hẳn bạn đã được nghe điều này hàng nghìn lần, nhưng tôi vẫn xin nhắc lại: một bản sao lưu dữ liệu đơn giản sẽ là cứu cánh cho bạn khi có sự cố xảy ra. Dịch vụ sao lưu trực tuyến như MozyHome có thể là một lựa chọn tốt. Bạn hãy bắt đầu với một tài khoản miễn phí cho phép lưu trữ 2 GB dữ liệu, đủ cho bạn lưu giữ tài liệu hoặc những đồ án nhỏ một cách thoải mái. Để lưu trữ không giới hạn với Mozy, bạn cần trả phí 4.95$ mỗi tháng. Nếu bạn sử dụng nhiều máy tính, nên lựa chọn dịch vụ có khả năng đồng bộ hóa dữ liệu giữa các máy và sao lưu trực tuyến, từ đó bạn có thể dễ dàng lấy dữ liệu khi đang ngồi ở bất kỳ máy nào. Chúng tôi xin giới thiệu tới các bạn dịch vụ Dropbox, hỗ trợ đồng bộ hóa dữ liệu giữa các máy tính chạy hệ điều hành Windows, Mac và cả Linux, đồng thời cho phép truy cập dữ liệu qua iPhone. Dịch vụ miễn phí cung cấp cho bạn 2 GB trống lưu trữ trực tuyến. Để lưu trữ tới 50 GB, bạn cần trả phí 9.99$ mỗi tháng. Nếu không muốn sao lưu trực tuyến, bạn có thể chia ổ cứng máy tính thành nhiều phân vùng để tiện cho việc quản lý. Chẳng hạn như ổ C dành để cài đặt hệ thống và các chương trình, ổ D lưu trữ dữ liệu quan trọng, ổ E để lưu những thứ bạn không cần sao lưu. Nhờ thế khi tiến hành sao lưu dữ liệu, bạn chỉ cần quan tâm đến một phân vùng duy nhất. Hãy chuẩn bị một phương tiện sao lưu có dung lượng lớn gấp rưỡi dung lượng lưu trữ của phân vùng chứa dữ liệu. Ví dụ như sắm một ổ cứng gắn ngoài có dung lượng 500 GB nếu ổ D của bạn lưu tới 300 GB dữ liệu. Như vậy, bạn sẽ không gặp vấn đề gì khi muốn sao lưu kho phim HD khổng lồ của mình. 8, Chuẩn bị cho trình duyệt Dù gặp vài vấn đề với bộ nhớ, Firefox vẫn là trình duyệt được ưa thích vì sự thân thiện với người dùng và khả năng tùy biến linh hoạt. Google Chrome cũng là một lựa chọn tuyệt vời bởi lẽ đây là trình duyệt có tốc độ duyệt web nhanh nhất hiện nay. Hơn nữa hiện tại cũng đã có khá nhiều phần mở rộng hỗ trợ cho Chrome. Tuy rằng bản thân cả hai trình duyệt trên đều đã rất tốt và bạn hoàn toàn có thể sử dụng chúng mà không cần thay đổi gì. Thế nhưng một khi bạn thử cài đặt thêm những phần mở rộng vô cùng hữu ích, bạn sẽ phải tự hỏi tại sao trước đây mình có thể không cần tới chúng nhỉ. Nếu bạn đã từng sử dụng Firefox trên máy tính cũ, chắc hẳn bạn sẽ muốn giữ lại tất cả những thiết lập, dấu trang, và các phần mở rộng khi chuyển sang máy mới. Việc này có thể thực hiện rất dễ dàng với phần mềm miễn phí MozBackup. Phần mềm này cũng làm việc được với Thunderbird để sao lưu e-mail. Cho dù bạn đang sử dụng trình duyệt nào đi chăng nữa, bạn vẫn cần phải cài đặt tất cả những phần mềm sau đây nếu muốn làm việc trực tuyến thật trơn tru: Adobe Flash, QuickTime, Windows Media Player, và chương trình đọc tài liệu PDF (chúng tôi khuyên dùng phần mềm miễn phí Foxit Reader, nhanh hơn và nhỏ gọn hơn Adobe Reader). 9, Cài đặt những phần mềm cơ bản Đây là bước phụ thuộc vào nhu cầu của bạn bởi lẽ chúng tôi không thể quyết định được bạn cần cài đặt những phần mềm gì. Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, một chiếc máy tính mới luôn cần có những chương trình cơ bản sau đây: một bộ công cụ văn phòng, một tiện ích quản lý và chỉnh sửa ảnh, một trình giải trí xem phim nghe nhạc và một phần mềm quản lý e-mail. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những phần mềm miễn phí phù hợp với phần lớn tiêu chí nêu trên. Nếu bạn muốn hệ thống mới có đầy đủ phần mềm như ở bên hệ thống cũ, bạn hãy kiểm tra thư mục Program Files trong ổ C trên hệ thống cũ, sau đó lập một danh sách tên các phần mềm bằng công cụ quản lý văn bản trực tuyến như Google Docs để có thể truy cập dữ liệu từ máy khác. Cần nhớ lưu lại cả những thông tin đăng nhập đối với phần mềm quản lý e-mail và tài khoản chat IM. Tìm kiếm những thông tin quan trọng như mã đăng ký phần mềm và lưu lại ở một nơi an toàn và dễ lấy khi cần. Chẳng hạn như ghi thẳng lên đĩa cài đặt phần mềm, hoặc ghi vào sổ tay. Sẽ có lúc bạn cần tới những thông tin này nên hãy chọn bất kỳ phương pháp nào bạn cảm thấy an toàn để lưu giữ chúng. Một vài phần mềm giới hạn số lượng máy cài đặt. Ví dụ, iTunes sẽ chỉ chơi những bài hát bạn mua trực tuyến trên tối đa là năm máy tính. Vì thế bạn cần chắc rằng phần mềm đã được gỡ đăng ký trên máy tính cũ nếu bạn không sử dụng nó trên đó nữa. Bạn có thể liên hệ với nhà cung cấp phần mềm để được giúp đỡ. Microsoft Wireless Comfort Desktop 5000 10, Tăng tốc hệ thống Khi được cài đặt trên một hệ thống đủ mạnh, Windows 7 chạy mượt mà một cách rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến hiệu năng làm việc của hệ thống hơn là vẻ ngoài bóng bẩy, một vài tinh chỉnh sau đây sẽ giúp tăng tốc hệ thống hơn nữa. Thiết lập cho desktop một hình nền đơn sắc. Hình nền quá rực rỡ chỉ làm tốn thời gian tải ban đầu. Nếu bạn không ưa dùng những tiện ích xếp dọc màn hình (thường gọi là gadget), hoặc đã quen sử dụng những tiện ích tương tự từ nơi khác như Google chẳng hạn, hãy tắt bớt chức năng Windows Sidebar để giải phóng không gian màn hình. Trên Windows Vista, mở bảng điều khiển Windows Sidebar Properties rồi bỏ chọn Start Sidebar when Windows starts. Trên Windows 7, bảng điều khiển được đặt tên lại thành Windows Gadgets. Bạn chỉ cần click chuột phải vào từng gadget để gỡ bỏ nó. Aero là tên gọi của giao diện đồ họa bắt mắt, tạo hiệu ứng trong suốt cho các cửa sổ hệ thống. Đổi lại, Aero sẽ làm chậm hệ thống của bạn đi một chút. Để tắt giao diện Aero, trong bảng điều khiển Personalization trên Windows Vista, chọn Windows Color and Appearance. Tại cửa sổ tiếp theo, click Open classic appearance properties. Thay đổi gam màu thành Windows Standard, sau đó click Effects để tắt hiệu ứng đổ bóng menu và khả năng nhìn các cửa sổ khi bạn kéo chúng. Trên Windows 7, bạn có thể tắt từng tính năng (như hiệu ứng trong suốt) một cách riêng rẽ. Mở bảng điều khiển System, click System Protection, trên thẻ Advanced, click vào nút trong hộp Performance. Nếu bạn tắt các tùy chọn dưới phần Visual Effects (ví dụ như hiệu ứng động, hiệu ứng mờ dần, đổ bóng con trỏ chuột) bằng cách chọn “Adjust for best performance”, hệ thống sẽ tăng tốc đáng kể. Nếu bạn có một ổ USB tốc độ đủ nhanh, hãy cắm nó vào và kích hoạt Windows ReadyBoost. Tính năng này sẽ biến USB của bạn thành bộ nhớ đệm, giúp cải thiện hiệu năng hệ thống. Nếu bạn đang dùng laptop mà không cắm nguồn, hãy chú ý đến các chế độ về điện năng. Tùy chọn “high performance” sẽ ngốn pin nhanh hơn bình thường. 11, Xem lại phần cứng Việc sắm một chiếc máy tính mới là cơ hội thuận tiện để bạn ngó lại một lượt các thiết bị gắn liền với hệ thống cũ. Hãy cân nhắc xem liệu bạn có thể tiếp tục tận dụng những thứ cũ kỹ như máy quét ảnh, máy in phun, ổ cứng dung lượng thấp, v.v.. hay không? Nếu quyết định chuyển các thiết bị cũ sang hệ thống mới, bạn cần phải cập nhật trình điều khiển mới nhất cho chúng. DriverMax có thể giúp bạn sao lưu drivers phòng khi cần thiết về sau. Tuy nhiên, nó không có khả năng nâng cấp driver cũ cho Windows XP lên driver cho Windows 7, vì vậy bạn cần tự thực hiện việc này. Hãy vào trang web của nhà sản xuất để tìm những driver mới nhất cho thiết bị của bạn. Đối với hệ thống mới, bạn cũng cần phải xem xét lại phần cứng, đặc biệt là chuột và bàn phím. Các nhà cung cấp máy tính ít khi mang đến cho bạn những bộ sản phẩm chuột và bàn phím có thiết kế đặc biệt giúp thư giãn cổ tay - nơi rất dễ tổn thương đối với những người làm việc nhiều bên máy tính. Ngay cả khi hệ thống mới của bạn là một chiếc laptop, bạn vẫn nên cân nhắc việc sắm một bộ chuột và bàn phím riêng như Microsoft Wireless Comfort Desktop 5000. 12, Đăng ký mọi thứ Tuy không có gì đảm bảo về chất lượng hỗ trợ kỹ thuật, thế nhưng tốt hơn hết là bạn vẫn nên đăng ký máy tính cũng như các phần mềm trên máy của mình với nhà sản xuất để có cơ hội liên hệ giúp đỡ ngay khi cần thiết. Nếu phải mang máy đi bảo hành, đôi khi bạn cần nhớ thông tin về ngày mua máy. Việc đăng ký trực tuyến rất đơn giản và dễ dàng. Cần lưu ý là khi tiến hành đăng ký, có thể tên bạn sẽ được điền vào một danh sách nhận thư quảng cáo tự động. Thế nên hãy bỏ tùy chọn này hoặc sử dụng dịch vụ email có bộ lọc như Gmail. Bạn nên nhớ rằng, việc đăng ký sản phẩm không chỉ giúp bạn yêu cầu hỗ trợ dễ dàng hơn khi gặp vướng mắc, mà còn giúp nhà cung cấp liên hệ với bạn nhanh chóng hơn trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như thu hồi máy hàng loạt vì sự cố về pin. Đối với máy Mac Có một điều bạn không phải bận tâm khi sắm máy Mac đó là phần mềm rác. Những công ty như Dell hay HP thường biện hộ cho phần mềm rác bằng cách tuyên bố rằng họ cung cấp những tiện ích mà Windows còn thiếu. Hệ điều hành MacOS và phần cứng máy Mac là một hệ thống khép kín hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Apple, công ty luôn tự hào mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Mac OS X SnowLeopard (phiên bản 10.6) đi kèm ứng dụng tường lửa cho phép kiểm soát tất cả kết nối thiết lập bởi phần mềm tới Internet. Bạn có thể tìm ứng dụng này trong thư mục System Preferences nếu muốn tiến hành điều chỉnh. Nếu muốn yên tâm, bạn có thể mua thêm phần mềm diệt virus. Tuy nhiên, hiện tại Mac hiếm khi trở thành mục tiêu tấn công của virus và malware. Di chuyển dữ liệu từ máy Mac cũ sang máy Mac mới vô cùng đơn giản. Trong thư mục Applications/Utilities, tìm đến Migration Assistant. Kết nối hai máy Mac bằng cáp Firewire và chạy Assistant. Các thiết lập cài đặt từ máy Mac cũ (phiên bản Mac OS 10.4.10 trở lên) sẽ chuyển sang hệ thống mới chạy Leopard, bao gồm những dữ liệu như dấu trang trình duyệt, thông tin người dùng. Các ứng dụng đi kèm Mac OS sẽ không được chuyển sang vì Apple cho rằng máy Mac mới đương nhiên sẽ có đầy đủ những ứng dụng mới, ví dụ như phiên bản Safari mới nhất. Nếu bạn có MacBook thế hệ mới như MacBook Air, bạn có thể di chuyển dữ liệu qua mạng không dây, không cần dùng đến cáp Firewire nữa. Nếu bạn đang dùng Mac mà chuyển sang Windows hoặc ngược lại, bạn có thể dùng ổ USB để di chuyển dữ liệu. Tất nhiên, bạn phải tự mình lựa chọn dữ liệu cần chuyển, và quá trình này sẽ rất tốn thời gian. Giải pháp nhanh hơn đó là sử dụng cáp chia sẻ nối PC với Mac của Kensington: Media Sharing Cable for PC and Mac. Chiếc cáp có giá 60$ này cho phép bạn kéo và thả các tập tin giữa hai hệ thống, rất tiện lợi đối với tập tin dung lượng lớn. Tuy vậy, 60$ là một khoản tiền khá lớn, thế nên bạn có thể cố gắng kết nối Mac và Windows qua mạng, dù hơi phức tạp một chút. Trong trường hợp bạn dự định sử dụng cả máy Mac và PC chạy Windows một cách thường xuyên, nhất định là bạn nên tiến hành đồng bộ hóa dữ liệu giữa hai máy. Như chúng tôi đã giới thiệu ở phần trên, DropBox là một lựa chọn tuyệt vời, cho phép đồng bộ hóa dữ liệu giữa các thư mục trên hệ thống chạy Windows và Mac OS. Bạn sẽ làm gì với chiếc máy tính cũ? Làm gì với máy tính cũ? Thường thì bạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng chiếc máy tính cũ với mục đích nào đó. Nhưng đôi khi, bạn lại muốn tống khứ cỗ máy chậm chạp đó ra khỏi nhà. Dưới đây là một vài tùy chọn để bạn cân nhắc: 1, Hồi sinh. Bạn nghĩ rằng chiếc laptop cũ kỹ của mình giờ đây quá chậm chạp để có thể sử dụng? Hãy thử cài đặt cho nó một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux như Ubuntu. Hệ điều hành này có thể biến laptop của bạn thành thiết bị lướt web tuyệt hảo, đặc biệt với sự hỗ trợ của gOS 3.1 Gadgets. 2, Đem đi cho. Bạn có thể đem chiếc máy tính cũ đi cho người quen hoặc tổ chức từ thiện nào đó. Miễn là máy của bạn còn hoạt động được, nó sẽ còn hữu ích với nhiều người. 3, Lựa chọn cuối cùng: Vứt đi. Nếu có thể, bạn nên tìm tới những nơi thu gom thiết bị điện tử cũ để vứt. Các trung tâm này có khả năng xử lý rác thải điện tử để tránh gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, bạn cần nhớ xóa sạch dữ liệu trên ổ cứng trước khi đem máy đi vứt. Ít nhất cũng phải tiến hành format (định dạng) lại ổ, dù rằng biện pháp này vẫn chưa hoàn toàn xóa sạch 100% dữ liệu. Các phần mềm chuyên biệt như Darik’s Boot and Nuke hoặc Active@ KillDisk - Hard Drive Eraser có thể giúp bạn miễn phí nhưng sẽ tốn hàng giờ liền. Nếu muốn yên tâm mà lại không tốn thời gian, chỉ có cách tháo ổ cứng ra rồi khoan lỗ xuyên qua nó. Theo PC Magazine, Quantrimang |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: