NGHỊ ĐỊNH Số: 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 07 năm 2010 QUY ĐỊNH VỀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN, LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VÀ CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC TRONG CÔNG TÁC GIỮ GÌN AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI, TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ RỪNG


CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định cơ chế chỉ đạo, chỉ huy; nội dung phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng theo quy định tại các Điều 41, Điều 43 và Điều 66 của Luật Dân quân tự vệ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức), đơn vị lực lượng vũ trang; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Công an cấp xã.
2. Lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt; lực lượng công an cấp xã và lực lượng kiểm lâm.
3. Các lực lượng khác khi phối hợp hoạt động với lực lượng dân quân tự vệ, gồm: các đơn vị công an nhân dân, quân đội nhân dân, lực lượng các địa phương liên quan hoạt động trên địa bàn và lực lượng của các Ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã.
Điều 3. Giao ban
1. Trách nhiệm tổ chức giao ban ở cấp xã
a) Việc tổ chức giao ban giữa Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở với Công an cấp xã trong phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, do Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Trưởng Công an cấp xã phối hợp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở cùng cấp;
b) Việc tổ chức giao ban giữa Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở với Kiểm lâm địa bàn trong phối hợp hoạt động bảo vệ rừng, do Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở phối hợp với Kiểm lâm địa bàn thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở cùng cấp;
c) Ở những nơi có rừng, căn cứ vào tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tình hình bảo vệ rừng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo việc giao ban công tác phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Công an cấp xã và Kiểm lâm địa bàn.
2. Chế độ, nội dung, phương pháp giao ban ở cấp xã
a) Giao ban thường xuyên hàng tuần, tháng, quý, năm;
b) Giao ban đột xuất khi có tình huống hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới;
c) Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung, phương pháp giao ban giữa Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở với Công an cấp xã; giữa Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở với Kiểm lâm địa bàn.
3. Tổ chức giao ban công tác chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã, lực lượng kiểm lâm
Việc tổ chức giao ban giữa cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện với cơ quan công an, cơ quan kiểm lâm cùng cấp, giữa các cơ quan chức năng của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
Điều 4. Sơ kết, tổng kết, kiểm tra và lập kế hoạch phối hợp hoạt động
1. Chế độ sơ kết, tổng kết
a) Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự, cơ quan công an, cơ quan kiểm lâm cấp huyện, cấp tỉnh sáu tháng, một năm phải đánh giá công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng bằng hội nghị sơ kết riêng hoặc được đề cập trong báo cáo sơ kết công tác quốc phòng, quân sự, an ninh của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự, cơ quan công an, cơ quan kiểm lâm cấp huyện, cấp tỉnh;
b) 05 năm một lần hoặc hai lần, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
c) 05 năm một lần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
2. Trách nhiệm tổ chức sơ kết
a) Ở cấp xã, cơ quan, tổ chức ở cơ sở: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở chủ trì sơ kết việc thực hiện công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng;
b) Ở cấp huyện, cấp tỉnh: người đứng đầu cơ quan quân sự, cơ quan công an, cơ quan kiểm lâm luân phiên đảm nhiệm chủ trì việc sơ kết công tác chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
3. Trách nhiệm tổ chức tổng kết
a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn cơ quan công an địa phương chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở trong phạm vi toàn quốc;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn cơ quan kiểm lâm các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng và tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng trong phạm vi toàn quốc.
4. Nội dung, phương pháp sơ kết, tổng kết
a) Bộ Công an và Bộ Quốc phòng hướng dẫn nội dung, phương pháp sơ kết, tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng hướng dẫn nội dung, phương pháp sơ kết, tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ trong công tác bảo vệ rừng.
5. Kiểm tra
a) Kiểm tra việc phối hợp chỉ đạo và phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, do cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp thực hiện; chế độ, đối tượng, nội dung, tổ chức, thành phần đoàn kiểm tra của các cấp do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn;
b) Kiểm tra việc phối hợp chỉ đạo và phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, do cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quân sự, cơ quan kiểm lâm các cấp phối hợp thực hiện; chế độ, đối tượng, nội dung, tổ chức, thành phần đoàn kiểm tra của các cấp do Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn.
6. Lập kế hoạch phối hợp hoạt động
a) Lực lượng dân quân tự vệ khi phối hợp hoạt động với lực lượng công an cấp xã, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong bảo vệ rừng phải có kế hoạch phối hợp hoạt động và được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc lập kế hoạch phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
Điều 5. Trường hợp lực lượng dân quân tự vệ được nổ súng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong bảo vệ rừng
Khi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ rừng lực lượng dân quân tự vệ được quyền nổ súng trong các trường hợp sau đây:
1. Có lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh quân khu, Tư lệnh Quân chủng Hải quân và tương đương hoặc người chỉ huy các cấp khi được ủy quyền;
2. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, tuần tra bảo vệ biên giới, biển, đảo phát hiện chính xác địch ở mặt đất, trên biển hoặc trên không, lực lượng dân quân tự vệ được quyền nổ súng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
3. Sau khi đã áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giải thích, răn đe, sử dụng công cụ hỗ trợ nhưng đối tượng vẫn không chấp hành hoặc trong trường hợp không có biện pháp nào khác để ngăn chặn đối tượng đang thực hiện hành vi uy hiếp trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ và công dân;
4. Thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10;
5. Việc nổ súng được quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều này phải thực hiện theo ba bước: bắn cảnh cáo, bắn bị thương, bắn tiêu diệt.
Điều 6. Ngân sách bảo đảm công tác chỉ đạo việc phối hợp hoạt động
1. Việc bảo đảm kinh phí cho hoạt động của từng lực lượng thực hiện theo Điều 53, Điều 54, Điều 55 Luật Dân quân tự vệ; Điều 8 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã; Điều 15 Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ Về tổ chức và hoạt động của kiểm lâm.
2. Ngân sách bảo đảm cho hoạt động chỉ đạo việc phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng; cơ quan nào chủ trì, cơ quan đó chịu trách nhiệm bảo đảm kinh phí.
3. Hàng năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương, cơ sở căn cứ vào kế hoạch hoạt động, nhiệm vụ phối hợp hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng công an cấp xã, lực lượng kiểm lâm thuộc quyền để lập dự toán ngân sách bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách, trong đó có nội dung bảo đảm chi cho công tác chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.
Chương 2.
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN CẤP XÃ VÀ CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC
Điều 7. Cơ chế chỉ đạo, chỉ huy khi phối hợp hoạt động
1. Nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thực hiện theo khoản 5 Điều 31 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ (gọi tắt là Nghị định 58/2010/NĐ-CP).
2. Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, biểu tình, gây rối, phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin, bạo loạn chính trị, bạo loạn có vũ trang, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, do Trưởng Công an cấp xã chủ trì tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ (đối với cơ quan, tổ chức chưa đủ điều kiện thành lập Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở) chỉ huy lực lượng thuộc quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở và sự chỉ huy của người chỉ huy cơ quan quân sự cấp trên.
3. Trong tình huống khẩn cấp về quốc phòng và chiến tranh đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở chủ trì tham mưu và chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang ở cơ sở trong sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; Trưởng Công an cấp xã chỉ huy lực lượng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng xử lý của cấp xã hoặc xảy tra trên nhiều xã, Trưởng Công an cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoạt động trên địa bàn xin ý kiến chỉ đạo cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp; chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ đến chi viện và hiệp đồng với các lực lượng ở địa bàn liên quan để xử lý tình huống theo kế hoạch của cấp trên.
Điều 8. Trao đổi thông tin
1. Nguyên tắc trao đổi thông tin
Việc trao đổi thông tin về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải bảo đảm bí mật, kịp thời, chính xác. Trường hợp hai lực lượng có thông tin khác nhau về một vụ, việc, hiện tượng thì phải phối hợp xác minh, kết luận thống nhất trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
2. Chế độ trao đổi thông tin
a) Hàng ngày, Công an cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ hoạt động trên địa bàn; cán bộ, chiến sĩ công an phường hoặc công an viên xã, thị trấn và thôn đội trưởng trao đổi tình hình về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Khi có tình huống hoặc nhiệm vụ đột xuất, Công an cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ hoạt động trên địa bàn chủ động trao đổi tình hình và thống nhất đề xuất với cấp có thẩm quyền các biện pháp giải quyết.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn nội dung, phương pháp trao đổi thông tin về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 9. Vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ sở an toàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
1. Lực lượng công an cấp xã
Chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, các Ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, làm trong sạch địa bàn; xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư, cơ quan, tổ chức an toàn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở địa phương.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
Chủ trì, phối hợp với lực lượng công an cấp xã, các Ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn xâm phạm độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc của các thế lực thù địch; giáo dục nâng cao nhận thức về quốc phòng toàn dân, xây dựng tiềm lực quốc phòng; xây dựng làng, xã, phường, thị trấn, cụm làng, xã, phường, thị trấn vững mạnh trong khu vực phòng thủ; thực hiện nghĩa vụ quân sự; xây dựng lực lượng dự bị động viên, lực lượng dân quân tự vệ; vận động nhân dân thực hiện các chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội ở cơ sở, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
3. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ và Trưởng Công an cấp xã phối hợp tham mưu giúp cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Tuần tra, canh gác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn xây dựng phương án tuần tra, canh gác theo sự chỉ đạo của cơ quan công an cấp trên và tổ chức hiệp đồng giữa lực lượng công an cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng liên quan trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở;
b) Chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ tuần tra, canh gác bảo vệ các mục tiêu được giao;
c) Khi xảy ra các vụ việc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lực lượng công an cấp xã chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác giải quyết theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ phối hợp với Trưởng Công an cấp xã xây dựng kế hoạch tuần tra, canh gác, dưới sự điều hành của Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở và sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên; tổ chức lực lượng thuộc quyền chủ trì, phối hợp với lực lượng công an cấp xã tuần tra, canh gác bảo vệ các mục tiêu được phân công;
b) Khi xảy ra các tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng khác xử lý theo chức năng, quyền hạn được pháp luật quy định.
Điều 11. Huấn luyện, diễn tập về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Hướng dẫn cho lực lượng dân quân tự vệ những kiến thức liên quan đến việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở; phòng cháy, chữa cháy; thủ tục lập biên bản vụ việc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sử dụng công cụ hỗ trợ;
b) Trưởng công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn và người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trong diễn tập cơ chế và chỉ huy lực lượng thuộc quyền diễn tập các tình huống về gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống “Diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ theo sự chỉ đạo của cơ quan công an cấp trên.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Hướng dẫn cho lực lượng công an cấp xã những kiến thức cơ bản về kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí quân dụng được trang bị, vũ khí tự tạo và các nội dung khác theo đề nghị của lực lượng công an cấp xã;
b) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ chủ trì, phối hợp với Trưởng Công an cấp xã và người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở diễn tập cơ chế trong tình huống khi địa phương được lệnh chuyển vào trạng thái khẩn cấp về quốc phòng, chiến tranh theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự cấp trên và chỉ huy lực lượng thuộc quyền tham gia diễn tập các tình huống chống gây rối, biểu tình, bạo loạn lật đổ; chủ trì, phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng khác thực hành diễn tập các tình huống đánh địch tiến công vào địa bàn.
Điều 12. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường.
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở về các chủ trương, biện pháp và xây dựng phương án, tổ chức hiệp đồng với các lực lượng có liên quan trên địa bàn thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực xảy ra thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, sự cố môi trường;
b) Chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng và tài sản của nhân dân; tham gia xử lý các tình huống và khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường gây ra.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, khí tượng, thủy văn và các sự cố xảy ra trên địa bàn; báo cáo, đề xuất kịp thời với cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý;
b) Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ quản lý lực lượng và phối hợp với cơ quan chuyên môn để quản lý vật tư, phương tiện bảo đảm cho lực lượng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ; lập kế hoạch sử dụng lực lượng, giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng cho lực lượng dân quân tự vệ và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xử lý các tình huống thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường, tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng và tài sản của nhân dân; tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Điều 13. Phối hợp trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ
1. Trưởng Công an cấp xã
Chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn và người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn quản lý công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; xem xét về tiêu chuẩn chính trị của công dân trong tuyển quân, tuyển sinh quân sự và tuyển chọn người vào phục vụ trong lực lượng công an nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ.
2. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ
Cung cấp những thông tin liên quan để Trưởng Công an cấp xã và người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể cấp xã xét duyệt về tiêu chuẩn chính trị trong công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự và tuyển chọn người vào lực lượng công an nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ.
3. Lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ phối hợp trong bảo vệ bí mật quân sự, bí mật nghiệp vụ công an.
Điều 14. Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
1. Lực lượng công an cấp xã
Chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ trong việc phát hiện, thu giữ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ không thuộc trang bị cho các lực lượng theo quy định.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của Bộ Quốc phòng;
b) Khi phát hiện việc sản xuất, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; các loại vũ khí, vật liệu nổ tồn đọng sau chiến tranh hoặc nguồn gốc khác, phối hợp với lực lượng công an thu giữ, bảo vệ và báo cáo với cấp có thẩm quyền giải quyết.
Điều 15. Đấu tranh phòng, chống tội phạm
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã chủ trì, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã về xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm; hiệp đồng với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể trong phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn theo thẩm quyền;
b) Chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác vận động nhân dân thực hiện chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm; điều tra, giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật; quản lý, giáo dục cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật cư trú ở cơ sở; phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ phối hợp với Trưởng Công an cấp xã xây dựng kế hoạch đấu trang phòng, chống tội phạm và tổ chức lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn;
b) Nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan cho lực lượng công an để phục vụ việc điều tra, xử lý; hỗ trợ lực lượng công an bắt, giữ, canh gác, dẫn giải tội phạm theo đề nghị của lực lượng công an cấp xã và sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
Điều 16. Phối hợp giải quyết khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã nắm chắc tình hình; chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ, người đứng đầu các lực lượng liên quan, đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn các chủ trương, biện pháp giải quyết;
b) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, các Ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn;
c) Phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật theo thẩm quyền.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ nắm chắc tình hình, phối hợp với Trưởng Công an cấp xã, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở về chủ trương và các biện pháp giải quyết;
b) Phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, biện pháp của cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn;
c) Phối hợp với lực lượng công an tuần tra, canh gác bảo vệ các mục tiêu được phân công; phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng chủ mưu kích động, các đối tượng vi phạm pháp luật và tham gia khắc phục hậu quả.
Điều 17. Phối hợp giải quyết khi xảy ra các hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã nắm chắc tình hình; chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ đề xuất với cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn về chủ trương và các biện pháp giải quyết;
b) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác ngăn chặn, bắt giữ các đối tượng phá hoại để xử lý theo thẩm quyền.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
c) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ nắm chắc tình hình; phối hợp với Trưởng Công an cấp xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở về chủ trương và các biện pháp xử lý;
b) Phối hợp với lực lượng công an bảo vệ các mục tiêu được phân công; hỗ trợ lực lượng công an bắt giữ đối tượng phá hoại;
c) Phối hợp cùng các lực lượng trên địa bàn khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.
Điều 18. Phối hợp giải quyết khi xảy ra bạo loạn chính trị
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn về chủ trương và các biện pháp xử lý tình huống theo kế hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng của cấp trên hoạt động trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng có liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, biện pháp giải quyết của cấp ủy và chính quyền địa phương;
c) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác ngăn chặn, trấn áp, bắt giữ đối tượng chủ mưu cầm đầu bạo loạn chính trị, các đối tượng quá khích vi phạm pháp luật; tổ chức giải thoát con tin (nếu có); tham gia khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ nắm chắc tình hình; phối hợp cùng Trưởng Công an cấp xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở về chủ trương và các biện pháp xử lý tình huống theo kế hoạch, đồng thời đề xuất kế hoạch phối hợp hoạt động với lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác đến tăng cường, chi viện theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng có liên quan tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch và đối tượng chủ mưu, cầm đầu bạo loạn chính trị, không để địch lợi dụng; giải tán biểu tình;
c) Phối hợp với lực lượng công an và các lực lượng khác tuần tra, chốt chặn các đầu mối giao thông quan trọng; bảo vệ các mục tiêu được giao; cùng lực lượng công an giải thoát con tin (nếu có); hỗ trợ lực lượng công an bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu và các đối tượng quá khích vi phạm pháp luật; tham gia khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.
Điều 19. Phối hợp giải quyết khi xảy ra bạo loạn có vũ trang
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Khi xảy ra bạo loạn có vũ trang do lực lượng phản động tại chỗ tiến hành, Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn và người đứng đầu các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn về chủ trương và các biện pháp xử lý tình huống theo kế hoạch, đồng thời đề xuất kế hoạch phối hợp hoạt động với lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác đến tăng cường, chi viện theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng trên địa bàn trấn áp, bắt giữ, tiêu diệt đối tượng chủ mưu cầm đầu và lực lượng bạo loạn có vũ trang; tuần tra, bảo vệ các mục tiêu được phân công; tham gia khắc phục hậu quả, ổn định tình hình.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ phối hợp với Trưởng Công an cấp xã và người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở về chủ trương và các biện pháp xử lý tình huống theo kế hoạch, đồng thời xây dựng kế hoạch và chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng của cấp trên hoạt động trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với lực lượng công an cấp xã tuần tra, chốt chặn các đầu mối giao thông quan trọng; bảo vệ các mục tiêu được giao; hỗ trợ lực lượng công an cô lập, trấn áp, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu;
c) Phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng trên địa bàn tiêu diệt lực lượng bạo loạn có vũ trang trong nội địa, đánh chiếm lại các mục tiêu đã bị mất; tham gia giải quyết hậu quả, ổn định tình hình;
d) Khi có can thiệp bằng hoạt động vũ trang của lực lượng thù địch từ bên ngoài hỗ trợ cho lực lượng phản động nội địa, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với các đơn vị quân đội, công an ngăn chặn, tiêu diệt theo nhiệm vụ được giao.
Điều 20. Phối hợp hoạt động khi cơ sở chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh thiết quân luật và giới nghiêm
1. Sử dụng lực lượng dân quân tự vệ thực hiện các biện pháp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở khi cơ sở chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh thiết quân luật và giới nghiêm theo quy định tại các Điều 9, Điều 15, Điều 19 Nghị định số 32/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm.
2. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn việc phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khi cơ sở chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện Lệnh thiết quân luật và giới nghiêm.
Điều 21. Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong chiến tranh
1. Lực lượng công an cấp xã
a) Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ trên địa bàn, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn về chủ trương và các biện pháp để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực có chiến sự;
b) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác trên địa bàn thực hiện các biện pháp bảo vệ các mục tiêu được giao; tuần tra, trấn áp tội phạm; quản lý các đối tượng chính trị; phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của lực lượng phản động ở địa phương móc nối, cấu kết với lực lượng thù địch bên ngoài để gây bạo loạn, lật đổ; tham gia quản lý, giam giữ tù binh, hàng binh và thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự;
c) Phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng bảo vệ bí mật quân sự, bí mật quốc gia; phòng, chống hoạt động biệt kích, thám báo, gián điệp; bảo vệ các công trình, kho tàng.
2. Lực lượng dân quân tự vệ
a) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ phối hợp với Trưởng Công an cấp xã xây dựng kế hoạch giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Phối hợp với lực lượng công an thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu căn cứ hậu phương, căn cứ chiến đấu trong các khu vực phòng thủ; hệ thống kho tàng, công trình, nơi sơ tán của nhân dân và các mục tiêu khác; phối hợp với các lực lượng trên địa bàn ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của lực lượng phản động ở địa phương móc nối với lực lượng thù địch bên ngoài để gây bạo loạn, lật đổ;
c) Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với các lực lượng tiêu diệt biệt kích, thám báo và các phương tiện của địch xâm nhập vào địa bàn.
Chương 3.
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VÀ CÁC LỰC LƯỢNG KHÁC
Điều 22. Cơ chế chỉ đạo, chỉ huy khi phối hợp hoạt động
1. Nguyên tắc phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng thực hiện theo khoản 5 Điều 31 Nghị định số 58/2010/NĐ-CP.
2. Lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm thực hiện việc mai phục, truy bắt, dẫn giải những đối tượng vi phạm pháp luật về rừng, áp tải tang vật, phương tiện vi phạm, tuần tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án do cơ quan kiểm lâm chủ trì soạn thảo, dưới sự điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ chỉ huy lực lượng thuộc quyền thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng và cháy rừng có diễn biến phức tạp, vượt quá khả năng xử lý của cấp xã hoặc xảy ra trên nhiều xã, Kiểm lâm địa bàn và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở hoạt động trên địa bàn xin ý kiến chỉ đạo cơ quan kiểm lâm, cơ quan quân sự cấp trên trực tiếp, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp; chỉ huy lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và các lực lượng khác đến chi viện để xử lý tình huống theo kế hoạch của cấp trên.
Điều 23. Trao đổi, xử lý thông tin
1. Việc trao đổi, xử lý thông tin về bảo vệ rừng giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác phải bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời. Khi có những thông tin khác nhau, các bên phải phối hợp xác minh, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời báo cáo lên cấp trên và cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đột xuất, cần thiết có thể báo cáo vượt cấp, sau đó phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp trong thời gian nhanh nhất. Việc trao đổi thông tin được thực hiện bằng văn bản, điện thoại, thư điện tử hoặc trao đổi trực tiếp.
2. Nội dung trao đổi thông tin giữa cơ quan quân sự và cơ quan kiểm lâm
a) Tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng do cơ quan quân sự nắm được qua báo cáo của các lực lượng thuộc quyền;
b) Kế hoạch phối hợp và kết quả hoạt động bảo vệ rừng của lực lượng dân quân tự vệ.
3. Nội dung trao đổi thông tin giữa cơ quan kiểm lâm với cơ quan quân sự
a) Tình hình chung về bảo vệ rừng thuộc phạm vi quản lý;
b) Các tụ điểm về phá rừng, khai thác rừng trái phép, buôn bán động vật hoang dã; các trọng điểm về cháy rừng, loài cây, diện tích có nguy cơ cháy rừng cao và dự kiến các tình huống có thể xảy ra cháy rừng để có kế hoạch phối hợp phòng, chống các hành vi xâm hại rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng;
c) Tình hình giao đất, giao rừng, canh tác nương rẫy và sinh vật gây hại rừng;
d) Kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ rừng của cơ quan kiểm lâm và Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy những vấn đề cấp bách về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng;
đ) Các nội dung khác liên quan đến công tác bảo vệ rừng và tình hình phối hợp của hai lực lượng.
Điều 24. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về bảo vệ rừng
1. Hàng năm và từng thời kỳ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan kiểm lâm các cấp chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự địa phương cùng cấp xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện và kiểm tra việc tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về bảo vệ rừng cho lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm thuộc quyền ở các địa phương.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn nội dung, tổ chức và phân cấp việc tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện về bảo vệ rừng cho lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm.
Điều 25. Hoạt động phối hợp bảo vệ rừng
1. Luyện tập, diễn tập chữa cháy rừng
a) Hàng năm, trước thời gian cao điểm về cháy rừng, cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp (ở cấp xã, Kiểm lâm địa bàn chủ trì phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) tổ chức luyện tập, diễn tập chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng dân quân tự vệ.
b) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan quân sự địa phương các cấp tổ chức lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong luyện tập và diễn tập chữa cháy rừng;
c) Nội dung, hình thức, phương pháp luyện tập, diễn tập chữa cháy rừng do Bộ Quốc phòng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
2. Chữa cháy rừng
a) Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng kiểm lâm cùng các lực lượng tại chỗ phải chủ động chữa cháy, đồng thời thông báo cho các lực lượng khác đến phối hợp;
b) Khi cần phải huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy theo quy định của pháp luật, cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với cơ quan quân sự (ở cấp xã, Kiểm lâm địa bàn chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã) tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả cháy rừng.
3. Tổ chức kiểm tra, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng
Lực lượng kiểm lâm chủ trì, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ, chủ rừng và các lực lượng khác trên địa bàn tổ chức kiểm tra, truy quét những tổ chức, cá nhân phá rừng. Cụ thể:
a) Kiểm tra truy quét tại các trọng điểm vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng;
b) Bố trí lực lượng tại các trạm, chốt cửa rừng, các điểm lưu thông, chế biến kinh doanh lâm sản tập trung;
c) Truy bắt những đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng có hành vi trốn chạy, tẩu tán tang vật, chống người thi hành công vụ;
d) Kiểm tra, tháo gỡ, tiêu hủy các loại bẫy, săn, bắn, bắt giết mổ động vật rừng, sử dụng các loại súng săn trái phép.
4. Khi phát hiện đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng cùng tang vật, lực lượng dân quân tự vệ phối hợp với lực lượng kiểm lâm bắt giữ người, thu giữ tang vật, bảo vệ hiện trường, báo cáo cơ quan chức năng giải quyết.
5. Cơ quan kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn xác minh các thông tin liên quan, làm căn cứ xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi diện tích rừng bị chặt phá trái phép.
Điều 26. Trách nhiệm của lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở và lực lượng kiểm lâm địa bàn
1. Trách nhiệm của lực lượng dân quân tự vệ
a) Nắm chắc phân bố diện tích từng loại rừng và diễn biến rừng trên địa bàn;
b) Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và tham gia giải quyết những “điểm nóng”, những vụ việc cụ thể về bảo vệ rừng ở cơ sở;
c) Khi thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải kết hợp với nhiệm vụ bảo vệ rừng;
d) Khi phát hiện những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về rừng trên địa bàn phải lập biên bản, báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở trên địa bàn và thông báo cho Kiểm lâm địa bàn biết để phối hợp xử lý.
2. Trách nhiệm của Kiểm lâm địa bàn
a) Nắm chắc và thường xuyên trao đổi, cung cấp cho Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ về phân bổ diện tích từng loại rừng, diễn biến rừng trên địa bàn và các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng;
b) Chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở trên địa bàn xây dựng phương án bảo vệ rừng thuộc phạm vi quản lý;
c) Chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Chỉ huy tự vệ tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở trên địa bàn xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 27. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27 tháng 8 năm 2010.
2. Những quy định trước đây về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và lực lượng kiểm lâm trong bảo vệ rừng trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 28. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- BTL các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, BTL Thủ đô;
- BTL bộ đội Biên phòng, Quân chủng Hải quân;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (5b)
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguy

0 nhận xét: