Về trực ban phòng chống lụt bão
Số: 103 /QĐ-PCLBTW Hà Nội, ngày 4 tháng 6 năm 2009
QUYẾT ĐỊNH
Về trực ban phòng chống lụt bão của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão
và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành
BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO TW
Căn cứ Luật đê điều ngày 29-11-2006;Căn cứ Pháp lệnh Phòng chống lụt bão ngày 24-8-2000;
Căn cứ Nghị định số 168 HĐBT ngày 19-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các ngành;
Xét tình hình lũ, bão xảy ra trong các năm gần đây;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Hàng năm, vào mùa mưa bão, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các Bộ, ngành và các cấp trong cả nước phải tổ chức thường trực phòng chống lụt bão theo chế độ 24/24 giờ (gọi tắt là trực ban phòng chống lụt bão).Thời gian trực ban hoạt động quy định như sau:
a) Cơ quan Trung ương:
- Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương trực ban từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12.
- Văn phòng Ban chỉ huy PCLB & TKCN các Bộ, ngành ở Trung ương trực ban ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12.
b) Ở các địa phương: Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp trong cả nước trực ban như sau:
- Các tỉnh, thành phố phía Bắc bao gồm: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên trực ban từ ngày 05 tháng 5 đến 31 tháng 10.
- Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trực ban từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 30 tháng 11.
- Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên trực ban từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12.
- Các tỉnh còn lại thuộc Đông Nam Bộ và Nam Bộ trực ban từ ngày 01 tháng 6 đến hết ngày 31 tháng 12.
Trường hợp khi có lũ, bão xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian quy định ở trên, hoặc khi công trình phòng chống lụt bão có sự cố hoặc khi xảy ra động đất, sóng thần thì Ban chỉ đạo PCLBTW và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN các cấp, các ngành có liên quan phải kịp thời tổ chức trực đột xuất để đối phó với lũ, bão, động đất, sóng thần, sự cố các công trình và sẵn sàng thích nghi với các tình huống thiên tai bất thường xảy ra.
Điều 2. Trực ban phòng chống lụt bão có nhiệm vụ:
1. Giúp Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng chống lụt bão bao gồm: diễn biến thời tiết, mưa, lũ, bão và các thiên tai khác thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương; diễn biến các công trình phòng chống lụt bão; tình hình tổ chức lực lượng phòng chống lụt bão và huy động nguồn lực để đối phó với lụt, bão (bao gồm nhân lực, vật tư, phương tiện và các cơ sở vật chất kỹ thuật…);
2. Tiếp nhận các chỉ thị, mệnh lệnh, thông báo của Chính phủ; Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương; Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN các Bộ, ngành và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN cấp trên trực tiếp để truyền đạt kịp thời xuống Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN cấp dưới quyền;
3. Tham mưu cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN trong việc tổ chức phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả do lụt, bão và các thiên tai khác gây ra trong địa bàn thuộc mình quản lý; xử lý các sự cố công trình phòng chống lụt bão, tổ chức điều động các lực lượng để chi viện các địa phương khác theo lệnh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN cấp trên;
4. Tổng hợp tình hình phòng chống lụt bão trong phạm vi phụ trách để báo cáo với Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN cấp trên theo định kỳ và sau khi kết thúc mỗi đợt lũ, bão hoặc theo yêu cầu đột xuất của Trung ương và của cấp trực tiếp quy định tại Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo trong chỉ đạo, triển khai đối phó với lũ, bão được ban hành kèm theo Quyết định số 312QĐ/ PCLBTW ngày 20-10-2008 của Trưởng Ban chỉ đạo PCLBTW.
Điều 3. Hàng năm các ngành Thông tin và Truyền thông, Khí tượng thủy văn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm triển khai công tác phục vụ phòng chống lụt bão theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN cùng cấp và của cấp trên;
- Ngành Khí tượng Thủy văn triển khai công tác dự báo thời tiết, mưa, lũ, bão theo chế độ mùa lũ, bão từ 05 tháng 5 đến hết 31 tháng 12 hàng năm.
- Ngành Thông tin và Truyền thông triển khai công tác thông tin liên lạc ưu tiên phục vụ phòng chống lụt bão từ ngày 05 tháng 5 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Ngoài ra khi có lũ, bão xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian quy định ở trên, hoặc khi công trình phòng chống lụt bão có sự cố thì phải kịp thời tổ chức phục vụ công tác chỉ đạo đối phó như trong mùa lũ, bão.
Điều 4. Người làm nhiệm vụ trực ban được hưởng các chế độ làm thêm giờ, làm đêm theo Quy định của Luật Lao động. Hàng năm, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp bố trí kinh phí để Văn phòng thường trực phòng chống lụt bão & TKCN tổ chức trực ban theo quy định.
Điều 5. Quyết định này thay thế Quyết định số 43/PCLBTW/QĐ ngày 28-4-1997.
Điều 6. Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN các Bộ, ngành Trung ương; Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão & TKCN các cấp địa phương trong cả nước và Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: BỘ TRƯỞNG - TRƯỞNG BAN
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để b/c);
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội ; (Đã ký)
- Văn phòng Chính phủ ;
- Các thành viên BCĐ PCLBTW;
- BCH PCLB & TKCN các tỉnh, TP trực thuộc; CAO ĐỨC PHÁT
- BCH PCLB các Bộ, ngành TW;
- VP Ban chỉ đạo PCLBTW;
- Lưu: VP.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: