Xây dựng nông thôn mới và những vấn đề cần quan tâm
*Những nội dung cơ bản về chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và sự khác biệt của chương trình lần này so với nhiều chương trình xây dựng nông thôn đã được tiến hành từ nhiều năm trước đây: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 là chương trình rất lớn và toàn diện lần đầu tiên được thực hiện tại nước ta trên quy mô cả nước. Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương, phải xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa. * Những đặc trưng cơ bản của Nông thôn mới (NTM): - Một là nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại. - Hai là sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa. - Ba là đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao. - Bốn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển. - Năm là xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Để xây dựng nông thôn với năm đặc trưng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí, được chia thành 5 nhóm cụ thể: Nhóm tiêu chí về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế - xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị và được cụ thể hoá bằng 39 chỉ tiêu cụ thể. Hiện nay các tiêu chí đều đã được hướng dẫn tới tận xã (Sổ tay hướng dẫn xây dựng NTM) để phổ biến tới từng người dân. Khi xã đạt đủ 19 tiêu chí đó thì được công nhận là xã nông thôn mới. *Về một số khác biệt: -Khác biệt thứ nhất là chúng ta xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia được quy định trước phù hợp cho từng vùng, miền. -Khác biệt thứ hai là xây dựng nông thôn lấy địa bàn cấp xã để thực hiện và thực hiện trong phạm vi cả nước. -Khác biệt thứ ba là cộng đồng dân cư là chủ thể của xây dựng nông thôn mới, không phải ai làm hộ, người nông dân tự xây dựng là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. -Khác biệt thứ tư, đây là một chương trình khung, bao gồm 15 chương trình mục tiêu quốc gia và 13 chương trình có tính chất mục tiêu đang diễn ra tại nông thôn. *Để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, vấn đề đặt ra là cần phải phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân. Vậy vai trò chủ thể đó cần được phát huy trên lĩnh vực nào và làm thế nào để phát huy được? Nói một cách khái quát, mọi việc phải được dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ, thay vì như khẩu hiệu mà chúng ta đang thực hiện hiện nay là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nhưng cụ thể là: -Thứ nhất, để sát thực với người nông dân, thì khâu đầu tiên hết sức quan trọng và có tính chất lâu dài là khi tiến hành lập các quy hoạch về nông thôn mới người dân phải bàn và tham gia ngay từ đầu. -Thứ hai, sau khi đã thảo luận, bàn bạc, khi triển khai, người dân quyết định cái gì làm trước cái gì làm sau, phù hợp với nguồn lực của chính họ, phù hợp nguồn lực của địa phương và của Trung ương hỗ trợ cho họ để hiệu quả nhất. -Thứ ba, là công trình nào mà người dân làm được thì để người dân làm, không phải cái gì cũng thuê. Họ có thể có thu nhập, đồng thời có thể đóng góp sức lực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới thông qua việc xây dựng công trình đó. -Thứ tư, là làm cho từng người dân tự giác chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, cổng ngõ của họ theo quy hoạch chung của xã, đóng góp cho văn minh sạch đẹp của làng, xã từ chính nhà mình. Không phải trong nhà sạch mà ngoài ngõ bẩn hay ngược lại. -Thứ năm, người nông dân phải thực sự hiểu được, thấy được là họ làm cho chính mình, thực hiện theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, tự đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để thoát nghèo và làm giàu. *Bên cạnh đó, để phát huy được vai trò chủ thể của người nông dân thì công tác tuyên truyền là rất quan trọng? Cả hệ thống chính trị phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Trong đó cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu như sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ trì phát động một cuộc vận động lớn là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”. Cần tiến hành tuyên truyền một cách thường xuyên với nhiều hình thức để người dân hiểu được. *Nguồn lực để xây dựng nông thôn mới: Có 5 nguồn chính: -Đóng góp của cộng đồng là 10% là để chỉnh trang, sửa sang các công trình, đầu tư sản xuất của chính họ trên đất của họ, trong đó một số ít cũng tham gia vào các công trình công cộng. Cũng có nơi huy động ngày công, có nơi hiến đất, cũng có nơi đóng tiền. -Vốn đầu tư của doanh nghiệp là 20%, đây là khâu bền vững nhưng để thu hút được vốn đầu tư doanh nghiệp thì các địa phương phải có quy hoạch rõ ràng, có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp an tâm đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp và đứng vững ở nông thôn, gắn với nông dân, phát triển sản xuất và định hướng sản xuất. -Vốn tín dụng (bao gồm cả đầu tư phát triển và thương mại) là 30% đầu tư sản xuất cho người dân và công trình phúc lợi… . -Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 40% bao gồm 2 khoản, thứ nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình có mục tiêu trên địa bàn nông thôn chiếm 23%; thứ 2 là từ CTMTQG xây dựng nông thôn mới 17% (cho 8 nhóm, như: nước sạch môi trường, đường liên thôn, liên xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi kênh mương nội đồng… và 8 danh mục công trình nhà nước hỗ trợ, 7 danh mục công trình nhà nước đầu tư 100% vốn). -Vốn tài trợ khác: Vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, đơn vị và con em của quê hương thành đạt hướng về quê hương. *Chương trình xây dựng nông thôn mới đặt ra vấn đề cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. Song thực tiễn nông thôn tỉnh ta hiện nay, vấn đề này rất khó thực hiện bởi trình độ sản xuất ở nhiều vùng còn lạc hậu, nhưng không có nghĩa là không làm được. Để làm được cần lưu ý một số vấn đề sau đây: -Thứ nhất, hướng dẫn ngay các xã thực hiện xây dựng quy hoạch sản xuất, triển khai công tác dồn điền đổi thửa một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng địa phương, không làm theo phong trào,... -Thứ 2, tìm mọi giải pháp để triển khai tốt Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hướng doanh nghiệp về nông thôn, làm sao để doanh nghiệp là cầu nối giữa nông dân, nông nghiệp với thị trường, thị trường với nông dân, hướng dẫn, trợ giúp nông dân ra thị trường. -Thứ 3, tăng cường và đổi mới hoạt động của công tác khuyến nông theo hình thức dạy nghề, rèn việc, đào tạo trực tiếp cho nông dân làm nông nghiệp, để nông dân có đủ sức tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới. -Thứ 4, cần hướng dẫn mô hình cụ thể cho người dân thấy, bởi trăm nghe không bằng một thấy, phải làm rất cụ thể. Ví dụ, muốn hướng dẫn nông dân làm sạch làng, sạch cho nhà mình, thì phải làm hầm biogaz, biết thu gom, xử lý rác thải, v.v. -Thứ 5, cung cấp thông tin cho dân bằng nhiều hình thức như xây dựng một trang tin chuyên ngành, một kênh truyền hình riêng. Hiện nay, cả hệ thống tuyên truyền của đất nước đang hướng về nông nghiệp, nông thôn. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan truyền thông để hướng dẫn không chỉ là kỹ thuật mà trước hết tập trung tuyên truyền cho nhân dân hiểu những công việc chúng ta đang làm hôm nay, và trách nhiệm họ tham gia chương trình này, và lợi ích họ đạt được khi chương trình có kết quả. * Tóm lại: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã, đang được triển khai trên phạm vi cả nước, nhằm mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu ở nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng được cơ bản hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nông thôn, cơ bản xây dựng xong kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội theo chuẩn nông thôn mới… Nguyễn Văn Nam- Văn phòng ĐP CTMTQG xây dựng NTM |
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét: